“Tậu” hệ thống giải trí 4K – Đầu tư cũng cần hiểu biết

Tóm tắt bài viết:

- Thời gian qua, từ 4K đã để lại không ít sự chú ý đối với những tín đồ công nghệ trên thế giới.

- Nhưng bên cạnh những thuật ngữ mỹ miều mà các hãng sản xuất đặt ra, người dùng cũng cần phải tinh ý thì mới lựa chọn được những sản phẩm phù hợp với nhau và cho trải nghiệm tốt.

- Nếu sơ ý để những thông số kỹ thuất hào nhoáng qua mặt thì dàn máy giải trí nhà bạn sẽ chỉ như cái gai trong mắt mỗi khi bạn nhìn vào.


Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, cụm từ 4K, Ultra HD hay Quad Full HD, 2160p đã được rất nhiều người dùng biết đến và ghi nhận như là độ phân giải xa xỉ và cao cấp nhất cho các thiết bị giải trí số (bài viết sẽ chỉ sử dụng cách gọi chính thức của CEA là “4K” ). Dù rằng số lượng nguồn nội dung có độ phân giải “siêu cao” 3840×2160 này vẫn chưa nhiều – nhưng bất kì ai từng có dịp trải nghiệm nội dung hình ảnh ở mức này đều đã và đang háo hức về tương lai của một thế giới giải trí số xoay quanh 4K. Nếu bạn là người có hầu bao rủng rỉnh hoặc đang lên kế hoạch xây dựng một dàn thiết bị giải trí số 4K, đừng nghĩ mọi việc sẽ đơn giản như mua một dàn thiết bị Full-HD 1080p, bởi chuẩn phân giải 4K vẫn còn đang ở giai đoạn rất sơ khai. Có rất nhiều vấn đề và thông số phần cứng chúng ta cần lưu ý khi quyết định sắm sửa dàn thiết bị cao cấp này.
"Tậu" hệ thống giải trí 4K - Đầu tư cũng cần hiểu biết

Màn hình hiển thị

Có một điều trớ trêu là, khi xây dựng một case chơi game giải trí nặng đô, rất nhiều người dùng có thói quen tập trung quá nhiều vào thông số của các thiết bị xử lí như CPU, GPU.. và chỉ chọn màn hình một cách tương đối qua loa nếu không nhận được sự tư vấn phù hợp. Điều này một phần cũng do thói quen thổi phồng hay làm ảo một vài thông số chưa có sự chuẩn hóa cụ thể như tương phản, độ rộng dải màu.v.v., khiến cho nhiều người cảm thấy ngán ngẩm. Thực chất thì nếu chỉ có mục đích xây dựng một hệ thống với khả năng hiển thị tối đa 1080p hay thậm chí là 1440p, có rất nhiều tùy chọn trên nhiều phân khúc khác nhau thỏa mãn mọi nhu cầu và hầu bao của người dùng. Nhưng khi đẩy độ phân giải lên 4K, có một vài trở ngại về mặt kĩ thuật mà bạn cần lưu tâm.

Đầu tiên là vấn đề tỉ lệ giữa độ phân giải với kích thước màn hình. Ngay trong môi trường desktop Windows, khi mật độ điểm ảnh bị đẩy lên quá cao – khoảng 200 pixels per inch, trải nghiệm sử dụng thường được cho là kém hơn rất nhiều. Một màn hình 4K với kích cỡ 30 inch – tương đương với mật độ trung bình 146 PPI có thể đem lại hình ảnh đẹp rực rỡ. Nhưng khi giảm kích cỡ xuống 24 inch, khiến mật độ điểm ảnh lên 184 – nhiều người có thể ngay lập tức nhận ra rằng các icon và trang web bắt đầu bị mờ, nhòe. Mật độ cao cũng khiến một số game như gặp khó khăn trong việc điều chỉnh kích thước các thành phần đồ họa cho phù hợp. Tình trạng này thường xuất hiện trong các game vốn có các thành phần đồ họa (như menu GUI) cố định và ít điều chỉnh được kích thước League of Legends hay World of Warcraft. Khi cố đẩy kích thước các thành phần này lên để tương ứng với độ phân giải và mật độ điểm ảnh cao, tình trạng thường gặp sẽ là độ sắc nét giảm xuống rất nhiều.

Tiếp theo là vấn đề với các màn màn hiển thị đôi. Nhiều loại màn hình 4K có được độ phân giải cao như vậy là nhờ vào sự kết hợp của hai tấm nền LCD trong cùng một bộ khung. Khi sử dụng bình thường, nhờ vào sự kết hợp khéo léo của nhà sản xuất, dĩ nhiên người dùng không thể nhận ra bất kì dấu vết nào của điều này, nhưng thực chất máy tính vẫn nhận dạng được là có hai màn hiển thị. Trong một số trường hợp, khi gặp những game chỉ nhận ra hoặc sử dụng được một màn, toàn bộ hình ảnh của game đó sẽ chỉ xuất hiện trên một nửa màn hình của bạn. Màn hình dạng này đôi lúc còn được cho là nguyên nhiên của các hiện tượng vỡ hình hay một số bug lạ khác. Nói một cách ngắn gọn, lời khuyên tốt nhất là nên tránh xa các màn hình sử dụng hai tấm nền dạng này.

 

"Tậu" hệ thống giải trí 4K - Đầu tư cũng cần hiểu biết

 

Vấn đề cuối cùng nhưng có thể nói là quan trọng nhất của các màn hình 4K là về refesh rate – tần số làm tươi màu. Tần số 60GHz – vốn được gọi là tần số “vàng” – đã và đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là FPS lí tưởng mà nhiều gamer hướng tới cho trải nghiệm tốt nhất. Tuy nhiên, với gánh nặng của độ phân giải cực lớn trên màn 4K đặt hoàn toàn lên chip hiển thị trong màn hình, một số hãng sản xuất đã giảm refresh rate của một số mẫu sản phẩm của mình xuống chỉ còn 30Hz. Nếu mua phải màn hình loại này thì rất tiếc phải thông báo là cho dù bạn có tậu bao nhiêu card GTX Titan đi chăng nữa pikachu và đào vàng vẫn vĩnh viễn chỉ dừng ở 30FPS mà thôi.

VGA

Dĩ nhiên là sau khi có màn hình hiển thị phù hợp cho việc xuất hình 4K, việc tối quan trọng là ta phải có nguồn sức mạnh xử lí đồ họa mạnh mẽ để cung cấp hình ảnh cho màn hình đó. Trước hết cần phải khẳng định, 4K đồng nghĩa với card high-end, không mặc cả – nếu còn băn khoăn với việc có nên chạy Crossfire (hay SLI) các card mid-end, hãy ở lại ở 1080p hoặc 1440p. Ngay card dual-GPU tản nhiệt nước như Radeon 295X2 cũng chỉ xuất được 22 FPS Crysis 3 khi đẩy các tùy chỉnh đồ họa lên cao. Với Battlefield 4, hiệu năng cũng chỉ dừng ở mức “chấp nhận được” là 37 FPS. Nhìn chung, đa số lời khuyên cho rằng giải pháp cho sức mạnh tính toán thích hợp để xuất hình ảnh 4K là hai GPU – có thể nằm trên 2 VGA riêng biệt hoặc sử dụng các card dual-GPU.

 

"Tậu" hệ thống giải trí 4K - Đầu tư cũng cần hiểu biết

 

Ngoài khả năng tính toán, một chi tiết không thể bỏ quên nếu bạn muốn xuất ra các hình ảnh 8.3 triệu pixels trên các màn hình 4K là RAM của các card đồ họa. Trong các thử nghiệm so sánh sửa Raedon 295X2 với 780 GTX Ti chạy SLI được thực hiện tại digitaltrend, cặp đôi 780 Ti cho hiệu năng khá tốt trong đa số game và chỉ “chịu thua” trước Crysis 3 đơn giản chỉ vì bộ nhớ VRAM đã đầy tràn. Với số lượng điểm ảnh lớn, không hẳn là lượng thông tin đầu vào cần được xử lí (từ game hay video) quá nhiều hay nhân GPU bị “quá tải” lớn lượng số lượng phép toán quá lớn, mà đôi lúc có thể đơn giản là phần băng thông nhớ cần thiết để lưu các hình ảnh kết quả đã quá cạn kiệt, khiến cho VGA không thể cập nhật đều đặn các frame mới lên màn hình.

 

Radeon 295X2
Radeon 295X2

 

Nhìn chung, ngoài sức mạnh xử lý của hai GPU – chúng ta sẽ cần 4GB VRAM tương ứng với mỗi GPU để có không gian bộ nhớ đệm cần thiết đem lại hiệu năng xuất hình tốt nhất. Card cỡ Radeon 296X2 trở lên tạm thời thỏa mãn tiêu chí này, còn các card như GTX 780 Ti – chỉ có 3GB/GPU sẽ phải chật vật trước các sản phẩm ‘nặng kí” như Crysis 3. Về phía Nvidia, có lẽ ứng cử viên phù hợp nhất vẫn sẽ là các sản phẩm mang nhãn Titan.

Kết nối

Sau khi chuẩn bị màn hình và card xử lí đồ họa, đôi lúc người ta sẽ quên đi một yếu tố tưởng chừng “nhỏ nhoi” nhưng thực chất cũng quan trọng không kém khi muốn truyền tải hình ảnh chất lượng cao: cáp kết nối.

Khi nói đến cáp kết nối, nhiều người trong chúng ta chắc hẳn nghĩ ngay đến chuẩn kết nối chất lượng cao phổ biến nhất hiện nay là HDMI – hiện được tích hợp sẵn trên đa số các màn hình 1080p. Tuy nhiên điều đáng tiếc là đa số các chuẩn và cáp HDMI của thời điểm hiện tại không hỗ trợ đủ băng thông cho hình ảnh 4K. Khả năng này mới chỉ được cập nhật bắt đầu từ HDMI phiên bản 1.4, nhưng FPS tối đa cho phép cũng chỉ mới dừng ở mức rất hạn chế là 30 FPS. Để truyền tải hình ảnh 4K ở mức 60FPS (dĩ nhiên là chỉ khi bạn đã có màn hình 4K 60Hz), lựa chọn HDMI duy nhất của người dùng là HDMI 2.0- chuẩn kết nối mà hiện….. vẫn chưa VGA nào chính thức hỗ trợ.

Hiện chưa card nào chính thức hỗ trợ HDMI 2.0
Hiện chưa card nào chính thức hỗ trợ HDMI 2.0

Điều này đồng nghĩa với việc dàn thiết bị giải trí 4K của bạn sẽ không thể dựa vào kết nối HDMI. Còn DVI? Lại càng không! Cáp DVI đơn chỉ hỗ trợ độ phân giải 3840×2400 ở tốc độ 17Hz. Khi sử dụng cáp kênh đôi (Dual-Link DVI), băng thông cao hơn cũng chỉ đem lại hiệu năng truyền tải ở mức 33Hz, chưa kể đến việc không phải màn hình nào cũng hỗ trợ việc sử dụng 2 cáp DVI của chế độ này. Những loại có hỗ trợ lại thường là màn hình đôi sử dụng 2 tấm nền riêng biệt, và như đã phân tích ở trên thì ta nên tránh sử dụng loại màn này.

Hai “đấu thủ” đã bị loại đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ còn DisplayPort là giải pháp duy nhất có thể đem lại hiệu quả truyền tải hình ảnh 4K ở mức 60Hz và đã được nhiều card High-end hỗ trợ. Điều quan trọng cần lưu ý là phải bảo đảm rằng VGA, và quan trọng hơn là cáp kết nối bạn mua hỗ trợ DisplayPort 1.2. Các phiên bản cũ hơn của chuẩn kết nối này chỉ hỗ trợ truyền tải hình ảnh với độ phân giải tối đa 2560×1600.

"Tậu" hệ thống giải trí 4K - Đầu tư cũng cần hiểu biết

Sử dụng loại cáp không phù hợp, trong khi màn hình, VGA và các tùy chỉnh trong game/video player đều được thiết lập ở chế độ phát hình ảnh 4K sẽ gây ra các tình trạng kì quái trong quá trình sử dụng. Các trường hợp thường gặp là hình ảnh méo, bị nhiều sọc hay liên tục đổi màu. Đa số người dùng nghĩ ngay đến việc nguồn phát quá tải, có vấn đề hoặc màn hình lỗi. Tuy nhiên trong trường hợp này hãy nghĩ ngay đến việc bạn đã chọn cáp kết nối không phù hợp.

Kết luận

Sắm một dàn thiết bị để thử trải nghiệm hình ảnh Ultra HD hiển nhiên không phải là điều một người dùng có túi tiền ở mức “kha khá” nên nghĩ tới. Chỉ riêng combo rẻ nhất – màn hình cỡ nhỏ Samsung 28-inch và một card AMD Radeon 295X2 đã có giá 2200$. Các lựa chọn khác như card Titan đi kèm với màn cỡ 20-inch dễ dàng đẩy giá của 2 thành phần này lên 4000$ (và lưu ý đây là giá tại… Mỹ). Đồng thơi, cũng nên lưu ý rằng có rất nhiều thông số cần được lựa chọn cẩn thận, và các card cao cấp nhất hiện nay như Titan hay 7990 cũng chưa có khả năng đem lại FPS cao một cách ổn định cho các hình ảnh Ultra HD này. Các game cũng còn gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là với kích thước của các menu khi phát hình ảnh ở chế độ này.

"Tậu" hệ thống giải trí 4K - Đầu tư cũng cần hiểu biết

"Tậu" hệ thống giải trí 4K - Đầu tư cũng cần hiểu biết

Nếu bạn có thể bỏ qua tất cả các cảnh báo ở trên và sẵn sàng chi tiền để chuẩn bị đón làn sóng nội dung 4K trong các năm tới, có một điều chắc chắn là bạn sẽ có được trải nghiệm hình ảnh tuyệt vời. Ngay cả một số game đã vài năm tuổi (nhưng có hỗ trợ độ phân giải cao cấp) cũng đem lại cảm giác kháp hẳn, bởi độ phân giải này giúp hiển thị cực kì sắc nét những chi tiết mà trước đây khi chạy trên dàn máy cũ của bạn thậm chí còn gần như vô hình. Cái giá của một dàn thiết bị Ultra HD không hề bình dân, nhưng bù lại trải nghiệm sử dụng thì không hề bình dân một chút nào.

Tham khảo: DigitalTrend

Theo Genk.vn

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *