Thực hư lý do MH17 bay qua vùng có xung đột ở Ukraine

Vừa qua chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine khiến tất cả 298 người thiệt mạng, bao gồm cả 15 người thuộc tổ bay. Các thông tin mới đây cho biết chiếc máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không tầm trung Buk ở độ cao 10.000m. Nguyên nhân của vụ việc lần này có thể là do các tay súng ly khai đã bắn nhầm vào chiếc máy bay, mà không biết đó là máy bay dân sự.

Vậy tại sao một chiếc máy bay dân sự lại bay qua không phận của một đất nước đang có xung đột để rồi bị bắn nhầm bởi tên lửa? Sự thật có thể khiến bạn ngạc nhiên, nhưng đây là điều thường xuyên mà chúng ta có thể thấy ở các hãng hàng không. Thậm chí cùng thời điểm mà chiếc MH17 bị bắn rơi, cũng có hai chiếc máy bay dân sự là Singapore Airlines SQ351 và Air India AI113 đang bay qua không phận miền Đông Ukraine.

Thực hư lý do MH17 bay qua vùng có xung đột ở Ukraine

Ông Dave Powell, cơ trưởng Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines đã nghỉ hưu cho biết “Việc một chiếc máy bay dân sự bay qua vùng có xung đột là điều rất bình thường. Đơn giản vì đó là tuyến đường bay ngắn nhất và tiết kiệm chi phí nhất cho các hãng hàng không, do đó mà họ vẫn bất chấp những nguy cơ có thể xảy ra. Tất nhiên các hãng hàng không cùng chính phủ phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro có thể xảy ra.”

Mỗi chuyến bay khi đi qua không phận của quốc gia khác đều phải có sự thống nhất giữa hãng hàng không của chuyến bay đó, cơ trưởng người điều khiển chuyến bay và cơ quan quản lý hàng không dân dụng tại quốc gia đó (gọi tắt là CAAs). Để có thể thiết lập một tuyến đường bay, các hãng hàng không phải thu thập thông tin của các CAAs (thời tiết, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là tình hình quân sự, chính trị hay xung đột). Sau đọ họ vạch ra tuyến đường bay và thông báo lại cho các CAAs biết rằng sẽ có một chuyến bay bay qua không phận của nước họ.

Thực hư lý do MH17 bay qua vùng có xung đột ở Ukraine

Khi nhận được các cảnh báo về tình hình xung đột căng thẳng tại một quốc gia, các hãng hàng không sẽ đánh giá mức độ nguy hiểm để thiết lập tuyến đường bay. Nếu ở mức độ rủi ro thấp, họ vẫn sẽ tiến hành những chuyến bay qua các vùng xung đột này, có thể bắt buộc chiếc máy bay phải bay ở độ cao lớn hơn bình thường để đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp Ukraine, từ tháng 4/2014, Hoa Kì đã phát hành NOTAM khuyến cáo không được bay qua không phận Crimea, và khuyến cáo các hãng nên thận trọng khi lập kế hoạch bay qua vùng Đông Ukraine (nơi MH17 bị bắn hạ ở Donetsk).Tuy nhiên đây chỉ là khuyến cáo thận trọng, chứ không phải lệnh cấm. Châu Âu cũng ra thông báo tương tự, nhưng khuyến cáo nên bay ở cao độ trên 9.000m khi bay qua các vùng khác của Ukraine. Và thực tế là MH17 đã bay ở cao độ an toàn, tuân thủ theo thông báo của Eurocontrol. Do đó, chỉ khi sau tai nạn của MH17, thì Hoa Kì và châu Âu, cũng như các hãng hàng không mới “hốt hoảng” thông báo tránh khỏi không phận Ukraine.

Thực hư lý do MH17 bay qua vùng có xung đột ở Ukraine

Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Liow Tiong Lai cũng khẳng định máy bay đã đi theo đường bay đúng. “Các hãng máy bay châu Âu cũng sử dụng đường bay tương tự và đi qua không phận này. Vài giờ trước khi xảy ra vụ việc, một số phi cơ chở khách khác từ các hãng khác nhau cũng sử dụng tuyến đường bay tương tự”. Người phát ngôn của Malaysia Airlines cũng khẳng định 15 trên 16 hãng hàng không Đông Nam Á sử dụng tuyến đường này. Đây là tuyến đường an toàn và hầu hết các quốc gia khác đều sử dụng nó.

Như vậy, một phần lỗi lầm rất lớn thuộc về cơ quan quản lý hàng không dân dụng của châu Âu, đã đánh giá sai tình hình tại Ukraine và không ban hành lệnh cấm đối với các hãng hàng không có tuyến đường bay qua khu vực này. Bên cạnh đó, hãng hàng không Malaysia Airlines cũng có trách nhiệm không nhỏ.

“Malaysia Airlines, cũng giống như một số hãng hàng không khác, tiếp tục sử dụng tuyến đường này vì đó là tuyến đường ngắn hơn, đồng nghĩa với việc tiết kiệm nhiên liệu và tiền bạc hơn”, Norman Shanks, một thành viên của tổ chức an ninh thuộc tập đoàn hàng không BAA, cho hay.

Trong khi đó, nguyên nhân chiếc máy bay MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa của các tay súng ly khai ở miền Đông Ukraine vẫn đang được điều tra và xác minh. Hiện tại các cơ quan chức năng đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của các hệ thống tên lửa Buk, kẻ đã bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines.

Tham khảo: independent

Theo Genk.vn

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *