Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc tại Ninh Bình

Ngày 23/12/2014, Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực thi chính sách pháp luật về đa dạng sinh học ở địa phương.

 

Tỉnh Ninh Bình có ba loại địa hình: vùng đồi núi, vùng trung du và đồng bằng với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 30 nghìn ha trong đó, rừng đặc dụng chiếm hơn 60% bao gồm ba kho rừng đặc dụng là Vườn Quốc gia Cúc Phương (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý), khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Khu rừng văn hoá lịch sử môi trường Hoa Lư do tỉnh quản lý. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình còn có khu rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn với tổng diện tích hơn một nghìn ha được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 

Các nhà khoa học đã chia Ninh Bình thành năm hệ sinh thái cơ bản: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, sinh thái gò đồi, hệ sinh thái đồng bằng, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Bình coi trọng xây dựng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống.

 

Cụ thể, tại khu đất ngập nước Vân long được đoàn công tác của tỉnh thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học các loài động thực vật trên cạn, lớp chim, lớp côn trùng, lớp cá. Tại rừng Văn hoá lịch sử môi trường Hoa Lư được đẩy mạnh công tác thống kê, xây dựng dữ liệu về đa dạng sinh học. Đồng thời, các ngành chức năng trong tỉnh tổ chức quản lý về đa dạng sinh học trên địa bàn như: kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, tổ chức bảo vệ các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái quan trọng có tầm cỡ quốc gia.

 

Đáng chú ý là từ năm 2009 đến nay, Công an tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, điều tra xử lý 22 vụ, 25 đối tượng vi phạm pháp luật về vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái phép. Trong đó, chuyển xử lý hình sự ba vụ với bốn đối tượng, thu hồi tang vật bao gồm hai cá thể hổ, 11 bộ xương báo gấm, báo hoa mai, 15 cá thể rắn hổ mang chúa thuộc nhóm IB (nhóm IB theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP là nhóm động vật bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại), 72 cá thể tê tê Java và nhiều loài động vật hoang dã khác với tổng giá trị tịch thu, phạt hành chính xung công quỹ Nhà nước hơn một tỷ đồng.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân, 24/12/2014

 

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *